Tô Lâm quyết dồn Nguyễn Trọng Nghĩa vào đường cùng?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Thượng tướng Quân đội, từng là cấp phó đắc lực cho ông Lương Cường ở Tổng cục Chính trị. Cả 2 từng được ông Nguyễn Phú Trọng ưu ái.

Năm 2021, ông Nghĩa được ông Trọng giao cho chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – vị trí dành cho Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng lúc đó, ông Nghĩa mới chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng.

Với ghế Trưởng ban Tuyên giáo trong tay, ông Nguyễn Trọng Nghĩa gần như chắc suất Ủy viên Bộ Chính trị. Quả thật, 3 năm sau, ông đã được chính thức bầu bổ sung vào tổ chức này.

Ngoài ông Nghĩa, ông Lương Cường cũng là người được ông Trọng hậu thuẫn. Ông Trọng muốn đưa ông Cường lên ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng không thành công. Đến khi sắp chết, ông Trọng mới kéo ông Cường về Ban Bí thư, như muốn quân đội hóa Ban Bí thư cho vững chắc. Lúc này, ông Cường và ông Nghĩa tái hợp trong Ban Bí thư, nhưng với vai trò khác.

Tô Lâm lên chức Tổng bí thư, đáng ngại nhất là bộ khung có quân đội chiếm giữ do Nguyễn Phú Trọng cài sẵn. Nếu quân đội không bị loại trừ, Tô Lâm khó Công an hóa ban bí thư. Tuy nhiên, không lâu sau, Lương Cường “đào thoát” khỏi Ban bí thư chuyển sang Phủ chủ tịch, còn lại Nguyễn Trọng Nghĩa là nhân tố quân đội trong Ban bí thư nhưng không thuộc hệ sinh thái quyền lực của Tô Lâm.

Hội nghị Trung ương bất thường lần này bàn về việc sáp nhập nhiều cơ quan, trong đó, đáng chú ý là sự sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, thành Ban Tuyên giáo – Dân vận. Việc hợp nhất này là cơ hội để ông Tô Lâm có thể loại bỏ ông Nguyễn Trọng Nghĩa, tuy nhiên, ý đồ này liệu có dễ dàng hay không?

Nếu ông Nghĩa chưa vào Bộ Chính trị, thì việc nhổ đi cái gai này sẽ dễ hơn nhiều. Tuy nhiên, giờ đây, ông Nghĩa đã là Ủy viên Bộ Chính trị, rất khó để có thể loại bỏ ông.

Công an và Tuyên giáo là 2 lá chắn bảo vệ chế độ. Tuyên giáo là lá chắn mềm, công an là lá chắn thép. Tuy nhiên, về tính hiệu quả thì tuyên giáo không thua công an. Ông Tô Lâm đã chiếm lĩnh Bộ Công an, còn Ban Tuyên giáo thì ông chưa chiếm được, vì đang trong tay một vị Tướng Quân đội. Nếu ông Tô Lâm có thể chiếm hữu được Ban Tuyên giáo, hay Ban Tuyên giáo – Dân vận, thì sau này, ông có thể biến 2 lá chắn của Đảng thành 2 lá chắn của nhóm Hưng Yên, sức mạnh sẽ được nâng lên gấp bội.

Bài toán khó nhất của ông Tô Lâm hiện nay, chính là ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Còn ông Nghĩa trong Ban Bí thư, tức là còn quân của ông Lương Cường trong nhà. Mà ông Cường thì lại đang ráo riết vận động các phe phái, để hạn chế sức mạnh của ông Tô Lâm.

Ban Bí thư do ông Nguyễn Phú Trọng để lại, rõ ràng có những cây gai khó nhổ, nhất là ông Nguyễn Trọng Nghĩa.

Việc ông Nguyễn Duy Ngọc được vào Bộ Chính trị và nắm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là bước Hưng Yên hóa, và cũng là công an hóa Ban Bí thư. Kể từ đây, ông Ngọc có thể chỉ đạo quân của ông, tung vào Bộ Quốc phòng để moi móc “hồ sơ đen”. Vậy nên, đây là tin rất xấu đối với ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Lâu nay, cứ ngỡ công an không làm gì được quân đội, nhưng nay, công an đội lốt Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì vùng “bất khả xâm phạm” của quân đội đã bị ông Tô Lâm bẻ gãy. Đáng chú ý là, trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn có ông Vũ Hồng Văn cũng là Tướng Công an và là người Hưng Yên.

Rất có thể, ông Nghĩa sẽ là người đứng đầu 2 ban sau khi hợp nhất. Tuy nhiên, rất khó để ông trụ lại ghế này lâu dài, khi mà ông Tô Lâm đã công an hóa Ban Bí thư như hiện nay.

Ngoài ông Nghĩa, số phận của ông Trần Cẩm Tú và ông Phan Đình Trạc cũng đang bấp bênh hơn bao giờ hết. Ông Tô Lâm từng bước củng cố quyền lực, để “tảo thanh” mạnh tay các thế lực khác.

 

Trần Chương – Thoibao.de