Hết hiệp đầu, cuối tháng 2 dọn cỗ, liệu Tô “đớp” được món “dát vàng”?

Sáng 7/1, ông Lê Quang Tùng – Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo, Quốc hội sẽ có cuộc họp bất thường lần thứ 9 vào cuối tháng 2. Mục đích là xem xét nhiều luật, thông qua nghị quyết, để sắp xếp bộ máy và thực hiện công tác nhân sự. Hay nói đúng hơn, đây là kỳ họp để các đại biểu gật đầu cho chính sách tinh giản của ông Tô Lâm.

Có thể nói, chính sách tinh giản này đang gây ra sự hoang mang tột độ trong bộ máy chính quyền. Các cá nhân và phe phái đang ráo riết tìm cách cho người của phe mình được trụ lại. Chính sách này đã buộc các phe phái vào thế phải giành giật nhau từng vị trí. Bên này trụ được thì bên kia sẽ bị loại.

Đáng chú ý là phe Tô Lâm, đặc biệt Bộ Công an, dường như “miễn trừ” trong chính sách này. Bằng chứng là vào ngày 3/1 vừa qua, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng, cho Thiếu tướng Đặng Hồng Đức. Nghĩa là, trong lúc các ban ngành khác “tinh giản”, thì Bộ Công an lại phình ra. Ông Quang thậm chí còn phớt lờ luôn cả lời nhắc nhở của Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trước kỳ họp bất thường của Quốc hội, thì sẽ có cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng, để đi đến thỏa thuận giữa các phe nhóm, về việc phân chia quyền lực, cũng như quyết định sinh mệnh chính trị của các thành viên.

Từ nay đến Đại hội 14 còn khoảng 12 tháng. Thời gian này hứa hẹn sẽ có rất nhiều cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng và Quốc hội. Một năm này sẽ được chia ra thành nhiều hiệp đấu, mà mỗi kỳ họp bất thường được xem là để định đoạt kết quả sau mỗi hiệp đấu. Trên mâm cỗ quyền lực, món “nạc” sẽ dành cho kẻ chiến thắng, còn món “xương” để cho kẻ chiến bại.

Thời gian gần đây, các ban ngành đều hối hả thực hiện chính sách “tinh giản”. Phải chăng, do sợ ông Tô Lâm, nên họ cố tỏ ra nỗ lực?

Đáng chú ý, đến nay, chưa có phe nào dám nói “không” với chính sách này, trừ một số nhân vật gốc Nghệ An. Bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đang tìm cách để cứu vớt, để “không bỏ ai lại phía sau”. Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đang viện lý do “đặc thù”, để Hà Nội không phải thực hiện tinh giản, đối với một số sở của thành phố.

Nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã đi qua 4/5 thời gian, Quốc hội đã có đến 9 kỳ họp bất thường. Càng gần đến Đại hội 14, thì số lượng các cuộc họp bất thường càng dày đặc hơn. Đồng thời với những kỳ họp bất thường dày đặc này, là sự ngã ngựa đông chưa từng có của giới quan chức lớn nhỏ. Ở cấp cao nhất là Bộ Chính trị, đã có 7 uỷ viên phải từ chức và 1 Uỷ viên qua đời khi còn tại vị. Điều đó đủ để nói lên tính khốc liệt của chính trường. Các phe phái ngày một nhiều, mức độ đánh nhau ngày một gay gắt.

Có lẽ, cuối tháng 2 là thời điểm kết thúc hiệp đấu đầu tiên của năm 2025, vì có thể, các phe đã thoả thuận “hưu chiến” trong những ngày Tết Nguyên đán.

Ở hiệp đấu đầu tiên này, điều mà các nhà quan sát chú ý, không phải là những thứ điều luật mà Quốc hội sẽ thông qua, mà là sự biến động nhân sự trong Đảng. Nếu tại kỳ họp bất thường của Trung ương Đảng sắp tới, ông Tô Lâm đưa được người của ông vào Bộ Chính trị, thì đấy lại là thắng lợi nữa cho phe Hưng Yên.

Từ nay đến kỳ họp ấy còn hơn 1 tháng, liệu các phe phái có thể làm gì để cản đường ông Tổng Bí thư?

Hiện, Hưng Yên có 2 uỷ viên Bộ Chính trị, đều nắm giữ những vị trí rất có thực quyền. Cần thêm một Uỷ viên nữa, thì quyền lực của Tô Lâm sẽ là tuyệt đối.

“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là gì? Phải chăng, đó là kỷ nguyên mà Đảng chia phe đánh nhau dữ dội nhất? Với tình hình hiện nay, rất khó để nội bộ Đảng đoàn kết một lòng.

 

Thái Hà – Thoibao.de