Ngày 4/1/2025, RFA Tiếng Việt loan tin “Lương Ngọc An bị Hội Nhà văn thu hồi quyết định bổ nhiệm”.
Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam hôm 4/1 đã thông báo, rút lại quyết định bổ nhiệm ông Lương Ngọc An vào vị trí Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Ông An bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo có hành vi “quấy rối”, và thậm chí đã “cưỡng bức” bà nhiều lần, khi 2 người còn làm việc tại báo Văn Nghệ cách đây hơn 20 năm.
RFA cho biết, ngày 5/12/2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã trao quyết định bổ nhiệm cho ông Lương Ngọc An, khiến dư luận phẫn nộ, và dẫn đến làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhiều tuần qua.
Theo thông báo được đăng tải trên trang web của Hội này, việc rút lại quyết định bổ nhiệm đối với ông An, là kết quả của quá trình “rà soát lại quy trình” bổ nhiệm, và “xem xét một số điều kiện liên quan”.
Cáo buộc của nhà thơ Dạ Thảo Phương không hề được đề cập trong thông báo trên.
Cho đến nay, theo RFA, Hội Nhà văn vẫn chưa có bất cứ thông báo nào về việc xác minh những thông tin liên quan đến cáo buộc hiếp dâm, mà ông An vướng phải. Cá nhân ông này cũng giữ im lặng trong suốt thời gian qua.
Thái độ ngó lơ dư luận của Hội Nhà văn, đã khiến nhiều nhà văn, nhà thơ thất vọng, và đi đến quyết định chấm dứt hợp tác với Hội này.
Đơn cử, vẫn theo RFA, nhà thơ Trần Duy Bảo Khang, tác giả tập thơ “Đi tìm những bóng người”, được Hội Nhà văn trao giải Tác giả trẻ năm 2022, đã tuyên bố ngưng hợp tác với cơ quan này, cho đến khi nào “có thông báo chính thức về kết quả xử lý vụ việc ông Lương Ngọc An bị tố cáo xâm hại tình dục”. Nhà văn Đặng Chương Ngạn sau đó cũng đã ra tuyên bố ngừng hợp tác với Hội Nhà văn vì cùng lý do.
Trước đó, ngày 30/12/2024, RFA đã bình luận “Hội Nhà văn Việt Nam vẫn im lặng một cách khó hiểu”.
RFA cho rằng, sự im lặng mang tính thách thức của Hội Nhà văn, không những vô ích trong việc giúp họ thoát khỏi búa rìu dư luận, mà thậm chí, còn khiến những người theo dõi vụ việc này bất bình hơn.
RFA trích dẫn lời cảm thán của nhà văn Thái Hạo, cho rằng, nếu đương sự “im lặng và không có bất cứ phát ngôn phủ nhận hay hành động chính đáng nào, thì việc ông ta bị nghi ngờ ngày càng nhiều, và bị xa lánh, bị khinh khi, cũng là điều hoàn toàn hợp lý”, và với cơ quan chủ quản nếu “không có bất kỳ hành động nào” thì “càng đáng bị dân làng (công chính) chỉ trích”.
RFA cũng cho biết, nhà thơ Dạ Thảo Phương vẫn kiên trì đốc thúc làn sóng dư luận, bà liên tiếp tung ra các bằng chứng chi tiết, để chứng minh cho các cáo buộc của mình, và mỗi lần bằng chứng mới được công khai, sóng dư luận lại nổi lên.
RFA dẫn quan điểm của Luật sư Ngô Anh Tuấn – người đại diện pháp lý cho bà Dạ Thảo Phương, nêu rõ mục đích khởi kiện:
“Có thể đã qua thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng việc tố cáo thì mình vẫn làm để xác minh sự việc là có thật.”
“Câu chuyện của chị Dạ Thảo Phương bây giờ không còn là vấn đề cá nhân nữa, mà nó là vấn đề của xã hội.”
RFA cũng đề cập đến phát biểu của ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn, xác nhận ông An chưa bao giờ bị bãi nhiệm chức Phó tổng Biên tập Báo Văn nghệ, mà chỉ bị điều động về Văn phòng Hội, vì “những vấn đề nhạy cảm”.
Nhưng đáng chú ý hơn, ông Chủ tịch Hội Nhà văn đã tìm cách bảo vệ, gỡ tội cho ông An, bằng lập luận… ông An tốt với Đảng (!?).
Đoạn video quay lại bài phát biểu của ông Thiều được đăng tải lên mạng xã hội, đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người theo dõi vụ việc này.
Hoàng Anh – thoibao.de